Những cân nhắc khi thiết kế hệ thống CBCT nâng cấp phòng khám nha khoa
Trong những năm gần đây đã có những tiến bộ lớn trong công nghệ chẩn đoán hình ảnh giúp nâng cấp phòng khám nha khoa. Xu hướng chụp phim 3D và phim toàn cảnh kỹ thuật số bằng CBCT, mang đến cho nha sĩ một góc nhìn toàn cảnh hơn khi lập kế hoạch điều trị.
Từ nhu cầu ngày càng tăng thì ngày càng có nhiều nha sĩ đầu tư lắp đặt các thiết bị CBCT hiện đại trong phòng khám. Điều này giúp họ cung cấp dịch vụ chẩn đoán nhanh chóng và thuận tiện cho bệnh nhân chỉ trong 1 lần hẹn.
Nếu bạn đang lập kế hoạch nâng cấp phòng khám nha khoa với hệ thống chụp X-quang răng, thì đây là một số điều cần cân nhắc khi lên kế hoạch xây dựng phòng chì lắp đặt CBCT chuyên dụng.
Phòng chì là gì?
Phòng chụp X-quang răng (hay phòng chì nha khoa) là nơi lắp đặt máy CBCT, với mục đích che chắn và bảo vệ một cách tuyệt đối cho sức khoẻ của bệnh nhân lẫn đội ngũ bác sĩ tại nha khoa.
Theo thông tư số 05/VBHN-BKHCN ban hành ngày 20 tháng 9 năm 2018 quy định ở Điều 11 về việc lắp đặt thiết bị bức xạ trong phòng khám phải bảo đảm các yêu cầu sau:
- Mỗi phòng chỉ được lắp đặt một thiết bị bức xạ. Riêng đối với phòng khám chẩn đoán X-quang trong y tế cho phép bố trí 02 thiết bị trong một phòng nhưng phải bảo đảm chỉ một thiết bị được vận hành tại cùng một thời điểm.
- Thiết bị bức xạ được lắp đặt phải bảo đảm khi sử dụng chùm tia chiếu không hướng vào tủ điều khiển, cửa ra vào, cửa sổ hoặc khu vực đông người qua lại.
- Tủ điều khiển thiết bị bức xạ phải đặt ngoài, sát phòng đặt thiết bị, phải có phương tiện quan sát người bệnh, có phương tiện truyền thông tin giữa người điều khiển và người bệnh. Trường hợp thiết bị X-quang chẩn đoán làm việc ở điện áp nhỏ hơn 150 kV, tủ điều khiển được phép đặt trong phòng đặt thiết bị nhưng phải có bình phong chì che chắn bảo đảm mức bức xạ tại vị trí nhân viên đứng vận hành thiết bị nhỏ hơn 10 µSv/giờ.
Vị trí lắp đặt phòng chì
Với công nghệ CBCT hiện đại đã tạo ra liều bức xạ thấp hơn nhiều trên mỗi lần chụp, giúp việc tìm một không gian thích hợp để lắp đặt thiết bị trong phòng khám không còn là vấn đề khó khăn như trước đây. Còn nếu bạn thấy khó khăn, một chuyên gia về thiết bị nha khoa giàu kinh nghiệm sẽ giúp tư vấn vị trí tốt nhất cho thiết bị hình ảnh của bạn. Điều đó cũng sẽ giúp tận dụng tối đa từng mét vuông diện tích phòng khám.
Lắp đặt thiết bị CBCT ở vị trí trung tâm ở gần các phòng điều trị sẽ giúp bệnh nhân và đội ngũ tại nha khoa có thể tiếp cận nhanh chóng và thuận tiện.
Những tiêu chí của phòng chụp X-quang chuẩn là gì?
Khi lên kế hoạch thiết kế phòng chụp X-quang răng cần đảm bảo những yếu tố như sau:
Kết cấu
- Kết cấu của công trình phải đảm bảo vững chắc, độ bền cao (sử dụng các khung cột thép, bê tông cột thép). Tường gạch và những vật liệu cần được hoàn thiện bao bọc kỹ càng, không gặp sự cố kỹ thuật nào.
Chất lượng
- Phòng chụp X-quang cần được hoàn thiện cẩn thận về chất lượng công trình và kết cấu nội ngoại thất hoàn hảo, đáp ứng được mọi yêu cầu của bộ y tế về việc trang bị thiết bị bức xạ.
Nền, sàn nhà
- Nền nhà của phòng chụp X-quang không được dạng xây bậc thang, không lát gạch ceramic, granite.
- Nền sàn nhà cần đảm bảo nhẵn, không sơn màu đặc biệt, không quá trơn trượt, có thể chịu được các hóa chất, được trang bị chống thấm hoặc chống tĩnh điện và dễ dàng vệ sinh sạch sẽ.
- Nếu phòng chụp X-quang ở tầng trên (lầu): sàn cần phải được lót tấm chì đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các tầng bên dưới.
Tường phòng chụp X-quang
- Mặt ngoài của tường phải được xây bằng các vật liệu như: trát, ốp vật liệu bền, sơn silicat, có lớp che phủ bề mặt phẳng, nhẵn, mỹ quan và chống thấm.
- Bên trong tường của các phòng chụp phải xây dựng bằng các vật liệu cản tia xạ như chì lá, gạch chống phóng xạ, vữa barit, cao su chì.
- Tường ở phía ngoài khu vực hành lang cần gắn thanh chống va đập với độ cao từ 0,7 đến 0,9 m (tính từ sàn).
- Tường ở bên ngoài nên có màu sắc phù hợp với không gian của phòng khám.
Trần nhà phòng chụp X-quang
- Trần nhà bên trong và hành lang của phòng chụp X-quang cần có bề mặt phẳng, nhẵn, không bám bụi, chống thấm cao và cách nhiệt tốt.
- Trần nhà cần trang bị, lắp đặt các thiết bị chiếu sáng, phòng cháy, chữa cháy, điều hòa không khí và các thiết bị kỹ thuật khác.
- Trần ở bên trong phòng chụp cần phải trát vữa bằng barit hoặc ốp vật liệu cản tia xạ như chì lá, gạch chống phóng xạ, vữa barit, cao su chì (nếu có tầng phía trên).
Cửa ra vào:
Cửa cần có khả năng chặn hoàn toàn các tia bức xạ. Yêu cầu tối thiểu như sau:
- Cửa có bọc các vật liệu cản tia xạ (chì lá, cao su chì…).
- Có đèn báo hiệu, biển cảnh báo bức xạ ngang tầm mắt ở bên ngoài của phòng.
- Có đèn báo hiệu, biển cảnh báo cho người khác biết là bức xạ ngang tầm mắt, ở phía bên ngoài của phòng.
- Các cửa đóng mở một cách nhẹ nhàng, kín không lọt ánh sáng ra bên ngoài khi thực hiện kỹ thuật chụp X-quang.
- Các cửa sổ cần đảm bảo những yêu cầu sau: Có khuôn, cánh cửa được làm bằng gỗ hoặc kim loại và chốt an toàn.
- Các phòng chụp X-quang không bố trí cửa sổ, đảm bảo an toàn, che chắn được bức xạ.
Ô kính quan sát
- Cần đảm bảo các yếu tố sau: đảm bảo khả năng cản xạ, tia bức xạ.
Kết
Để được cấp phép hoạt động từ bộ y tế, thì phòng chụp X-quang tại phòng khám nha khoa cần đáp ứng mọi yêu cầu từ bộ. Bên cạnh đó những yếu tố trên là vô cùng quan trọng khi mang lại sự an toàn cho phòng khám, thể hiện được mức độ quan tâm đến sức khoẻ của bệnh nhân cũng như đội ngũ phòng khám.
Nếu bạn đang cần thêm tư vấn và lời khuyên khi lắp đặt thiết bị chụp X-quang nâng cấp phòng khám nha khoa, hãy liên hệ với Seadent để hoạch định kế hoạch lắp đặt phù hợp với khả năng tài chính của bạn.